Lượt xem: 1105

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo hết lòng vì Đảng, vì Nước, vì Dân

Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27-12-1931, ở làng Thượng Phúc, nay là Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá - cũng là nơi quê hương của người Việt cổ với nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ, mà tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn.

 


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 

    Năm 14 tuổi, đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia phong trào Việt Minh. Ngày 19-6-1949, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi tròn 18 tuổi. Tháng 5-1950, đồng chí Lê Khả Phiêu nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam và đứng trong hàng ngũ quân đội gần 50 năm. Đồng chí đã cầm súng chiến đấu trên khắp nẻo đường kháng chiến, từ Bắc vào Nam và khắp chiến trường Đông Dương từ thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và 10 năm làm nhiệm vụ giúp bạn ở Campuchia.

    Là người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, qua những năm tháng được trui rèn, đồng chí trở thành người cán bộ chính trị quân sự dày dạn kinh nghiệm trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu ở cấp binh đoàn. Đồng chí lần lượt được điều động bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 9-1991 và được thăng quân hàm Thiếu tướng vào tháng 4-1984, Trung tướng vào tháng 6-1998, Thượng tướng vào tháng 7-1992, là đại biểu Quốc hội khoá IX, khoá X.


Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. (Ảnh Cao Phong/TTXVN)

    Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, tháng 6-1991, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1992, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Bí thư Trung ương Đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, tháng 01-1994, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị và đầu năm 1996, đồng chí được Trung ương phân công làm Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử làm Uỷ viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị. Tháng 12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

    Thế giới biết nhiều đến đồng chí Lê Khả Phiêu qua cuộc kháng chiến của Việt Nam, nhất là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1977 đến năm 1990.

    Để bảo vệ độc lập chủ quyền và cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng, theo yêu cầu khẩn thiết của nhân dân Campuchia, tháng 01-1979, quân tình nguyện Việt Nam đã vào Campuchia phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia, đánh đổ chế độ diệt chủng và liên tục giúp bạn hơn 10 năm, làm cho đất nước Chùa Tháp được hồi sinh. Trong đội quân tình nguyện quả cảm ấy, đồng chí Lê Khả Phiêu là một trong những người tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên, cho đến ngày lực lượng cách mạng Campuchia tự đảm đương được công việc của mình.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Xuất thân từ một người lính, rồi cho đến đảm nhận cương vị là Tổng Bí thư của Đảng (tháng 12-1997 đến tháng 4-2001), đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương nỗ lực cao độ, dành tất cả tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi xứng đáng là đội quân tiên phong lãnh đạo đất nước vươn lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn quan niệm: Muốn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, công tác xây dựng Đảng phải là nhiệm vụ then chốt trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Trong điều kiện Việt Nam là quốc gia chỉ có một Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh và có hiệu lực, kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đây luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

    Ở mọi nơi mọi lúc, đồng chí luôn trăn trở với công tác bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ, vấn đề dân chủ trong Đảng, làm sao để không ngừng nâng cao phát huy quyền làm chủ trong Đảng và ngoài xã hội, đặc biệt là đổi mới phương thức lãnh đạo của một đảng duy nhất cầm quyền... Đồng chí luôn chăm lo đến việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống và trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, làm cho Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, lập lại trật tự kỷ cương. Mà đặc biệt là, Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) đã đưa ra quyết định hết sức quan trọng là phát động thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình từ ngày 19-5-1999 đến 19-5-2001 trong toàn Đảng và sau đó đã trở thành công việc nề nếp, thường xuyên.

    Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến nhiều giới, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, từ người dân, người lính, đội ngũ nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo đến văn hoá, báo chí, từ công tác xoá đói giảm nghèo cấp bách đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, từ người cao tuổi cho đến thanh thiếu niên, nhi đồng,... ở diễn đàn nào cũng thấy đồng chí thể hiện sự quan tâm sâu sắc.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Lê Khả Phiêu. (Ảnh Trí Dũng/TTXVN)

    Phát biểu tại Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, vào ngày 25-8-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, nhất là được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

    Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động lãnh đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau. “Chúng tôi luôn học tập ở đồng chí về phương pháp, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và hiệu quả” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng.

    Ở đồng chí Lê Khả Phiêu: “nếu không có Đảng, quân đội rèn luyện, không có dân chăm nuôi, bảo vệ thì làm sao có ngày hôm nay. Dù làm đến chức vụ gì, ở vị trí cao đến mấy cũng không được quên quá khứ, không được quên Nhân dân. Ai quên quá khứ là quên chính mình”.

    Hình ảnh của vị Tổng Bí thư luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân sẽ luôn sống mãi trong lòng mỗi người chúng ta./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 6520
  • Trong tuần: 77,227
  • Tất cả: 11,800,547